Hướng dẫn về sức khỏe

Đã cập nhật: 21 tháng Sáu 2024

Sức khỏe của bạn, cả trong môi trường trực tuyến và trực tiếp, đều quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi mong bạn cảm thấy bạn kiểm soát được trải nghiệm TikTok của mình và tương tác với công nghệ theo cách phù hợp với bạn. Nhằm hỗ trợ bạn và cộng đồng rộng lớn của chúng tôi tốt hơn, TikTok hợp tác với các chuyên gia để phát triển những bộ công cụ giúp mọi người tìm hiểu thêm về cách nâng cao sức khỏe và xây dựng một cộng đồng trực tuyến tương thân tương ái.

Cách đánh giá sức khỏe kỹ thuật số của bạn

Sức khỏe kỹ thuật số là trạng thái sức khỏe tâm thần và thể chất của một người trong bối cảnh là các hoạt động kỹ thuật số hoặc trực tuyến. Trong đó bao gồm cách mọi người tương tác với công nghệ và internet, đồng thời ủng hộ việc có được mối quan hệ lành mạnh và cân bằng với các thiết bị kỹ thuật số cũng như nội dung trực tuyến.

Đánh giá sức khỏe kỹ thuật số của bạn đòi hỏi bạn phải tự nhận thức. Bạn có thể đánh giá xem thói quen sử dụng kỹ thuật số ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thể chất và tâm thần của mình bằng cách:

Suy ngẫm về thời gian sử dụng màn hình của bạn

Đánh giá trạng thái cảm xúc sau thời gian sử dụng màn hình

Chú ý đến trạng thái và chất lượng giấc ngủ

Đánh giá năng suất sau các hoạt động trực tuyến

Đánh giá hoạt động tương tác trên mạng

Đánh giá các biện pháp bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến

Cân nhắc nội dung bạn xem trên mạng

Các mẹo để suy ngẫm về Thời gian sử dụng màn hình

Khi công nghệ không ngừng giúp cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta trở nên tốt hơn, tất cả chúng ta đều có thể sử dụng các cách để tìm thấy sự cân bằng trong hành trình sức khỏe kỹ thuật số của mình.

Sau đây là 7 câu hỏi do các chuyên gia tại tổ chức Internet Matters cùng nhau xây dựng để hỗ trợ bạn trong quá trình đồng hành suy ngẫm và hình thành những thói quen kỹ thuật số cân bằng và lành mạnh.

Trước khi sử dụng
  • Tôi muốn nhận được gì từ thời gian sử dụng mạng này?
    Bạn có muốn kết nối với bạn bè không? Bạn muốn thư giãn? Hay muốn giải trí? Nghĩ về những điều bạn mong muốn nhận được trước khi bắt đầu sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc suy ngẫm về những gì đang ảnh hưởng đến hành vi của bạn và và về việc liệu trải nghiệm đó có diễn ra như bạn mong đợi hay không.
  • Có việc gì khác mà tôi muốn làm hay không?
    Tôi cần ưu tiên điều gì? Đâu là trình tự phù hợp nhất? Trước khi bắt đầu một hoạt động, quy trình kiểm tra nhanh này có thể giúp bạn đảm bảo hoạt động đó không tác động tiêu cực đến một thời điểm khác trong ngày của bạn.
  • Hoạt động này có giúp tôi cải thiện thời gian còn lại trong ngày không?
    Bạn có thử áp dụng công thức nấu ăn đã xem trên mạng để nấu bữa tối cho bạn bè không? Bạn có thể tạo nội dung dựa trên kỹ năng, trải nghiệm hoặc mối quan tâm của bạn hay không? Bạn bè hoặc người thân trong gia đình có hứng thú tham gia vào những gì bạn đang làm không? Chúng ta tận dụng tối đa những gì mình làm bằng cách nghĩ xem mọi việc trong ngày của chúng ta có thể ăn khớp với nhau như thế nào.
Trong khi sử dụng
  • Tôi có cảm nhận gì – lúc bắt đầu, trong khi đang diễn ra và lúc kết thúc?
    Cảm nhận của tôi có thay đổi không? Cảm nhận ấy thay đổi theo hướng tích cực hay tiêu cực? Cảm nhận của tôi có như kỳ vọng không? Điều gì ảnh hưởng đến cảm nhận của tôi? Suy nghĩ về cảm nhận của bạn vào thời điểm trước, trong và sau khi thực hiện hoạt động. Đây là thói quen tuyệt vời và có thể giúp bạn suy nghĩ thấu đáo về tác động tích cực và tiêu cực của hoạt động tới sức khỏe của bản thân.
Sau khi sử dụng
  • Tôi đã dành thời gian như thế nào?
    Bạn có học hỏi được điều gì mới mẻ không? Bạn có xem video do người khác tạo không? Bạn có tự mình tạo nội dung không? Hãy suy nghĩ về những hành động chúng ta đã làm, chứ không chỉ là khối lượng thời gian mà chúng ta thực hiện hành động đó. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu rõ động lực của bản thân và nhận thức rõ hơn về những hành động sau này.
  • Tôi có thực hiện những hành động đã đề ra không?
    Bạn có lập kế hoạch và tuân thủ kế hoạch đó không? Có phải bạn không lập kế hoạch? Điều này gây ra hậu quả gì? Bạn có hành động đúng như kỳ vọng không? Điều gì dẫn dắt hành động của bạn? Suy ngẫm theo cách này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hành vi của mình cũng như những yếu tố có thể tác động đến bản thân.
  • Trải nghiệm của tôi có cải thiện không?
    Điều gì đã diễn ra suôn sẻ? Điều gì không suôn sẻ? Tại sao? Hãy nghĩ về những gì mà bạn có thể làm được tốt hơn vào lần tới hoặc những điều khiến bạn vui vẻ nhất. Điều này có thể giúp bạn cải thiện trải nghiệm trong lần tới!

Các công cụ hỗ trợ sức khỏe kỹ thuật số của bạn trên nền tảng

Các tính năng chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số trên TikTok giúp bạn — hoặc một thiếu niên được bạn chăm sóc — lưu ý đến thời gian lên mạng của bạn. Các tính năng này cũng hạn chế những nội dung có thể không phù hợp với mọi đối tượng. Những cài đặt này có thể khác nhau tùy theo khu vực và phiên bản ứng dụng của bạn.

Thời gian sử dụng màn hình hằng ngàytính năng cho phép bạn quyết định lượng thời gian bạn muốn dành cho TikTok mỗi ngày. Trên TikTok, mọi tài khoản của người dùng dưới 18 tuổi sẽ tự động được đặt ở giới hạn thời gian sử dụng màn hình hằng ngày là 60 phút.

Trang tổng quan về thời gian sử dụng màn hình là một tính năng dễ truy cập, cung cấp khả năng quản lý cách thức và thời gian bạn sử dụng TikTok. Bạn cũng có thể chọn sử dụng tính năng "Cập nhật thời gian sử dụng màn hình hằng tuần" để hệ thống gửi những thông tin chuyên sâu này thẳng tới hộp thư của bạn. Bằng cách này, bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về việc sử dụng, đồng thời sử dụng tập trung hơn.

Giải lao sau thời gian sử dụng màn hìnhtính năng nhắc nhở bạn nghỉ giải lao sau một thời gian sử dụng màn hình liên tục nhất định. Bạn có thể thiết đặt tính năng này.

Chế độ hạn chếtùy chọn giới hạn việc hiển thị nội dung có thể không phù hợp với tất cả các khán giả. Bạn có thể bật hoặc tắt tính năng này qua mục cài đặt tài khoản. Chế độ hạn chế cũng là một trong những tính năng giúp cha mẹ kiểm soát trực tiếp khi đã bật Gia đình thông minh.

Dưới đây là một số tài nguyên bổ sung để tìm hiểu thêm về sức khỏe kỹ thuật số.

Hỗ trợ các thành viên cộng đồng đang đau buồn

Sự an toàn và sức khỏe của các thành viên trong cộng đồng TikTok là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau để mọi người luôn an toàn và được hỗ trợ khi gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần.

Khi có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân, mọi người thường tìm đến bạn bè và các thành viên trong cộng đồng. Bạn bè và các thành viên trong cộng đồng cũng có khả năng phát hiện ai đó đang gặp khó khăn. Nhưng bạn có biết mình nên làm gì khi thấy ai đó đang cần hỗ trợ không?

Nghiên cứu chỉ ra một số cách hỗ trợ an toàn và hiệu quả vượt trội hơn so với những cách khác. Sau đây là một số mẹo hay để giúp bạn phản hồi khi thấy ai đó đang đấu tranh với ý nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Dấu hiệu cho thấy ai đó đang gặp khó khăn

Việc nhận ra những dấu hiệu cho thấy ai đó đang gặp khó khăn có vai trò quan trọng:

  1. Đề cập trực tiếp đến việc tự tử hoặc tự làm hại bản thân, ví dụ như “Tôi muốn tự tử”, đề cập đến mong muốn hoặc các cách kết thúc cuộc sống của họ, chia sẻ video về hành vi tự làm tổn thương bản thân mới xảy ra gần đây.
  2. Đề cập gián tiếp đến việc tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Đôi khi, họ có thể sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn, ví dụ như “Tôi muốn chấm dứt cơn đau”, “Tôi không thể chịu đựng được nữa”.
  3. Khóc, nói về cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, lo lắng và/hoặc khó ngủ.
  4. Gần đây, họ tăng mức độ liều lĩnh và mạo hiểm.
  5. Bày tỏ sự đau buồn trước những bình luận mang tính quấy rối và bắt nạt.
  6. Tỏ ra khó thực hiện các công việc hàng ngày như ngủ, tắm hoặc mặc quần áo một cách bất thường.

Các biện pháp TẠO mối kết nối

Làm thế nào để phản hồi khi có ai đó đang gặp khó khăn? Hãy thực hiện các biện pháp sau đây để TẠO mối kết nối!

TRẤN TĨNH
  • Bạn khó có thể phản hồi hiệu quả khi đang trong tình trạng căng thẳng. Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy hít thở sâu, thả lỏng cơ thể và tĩnh tâm.
  • Hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự an toàn của người khác; những người dùng khác cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ. Bạn không bắt buộc phải tham gia các cuộc trò chuyện này nếu bạn cảm thấy chưa sẵn sàng.
  • Hãy nghĩ xem bạn có thể hỗ trợ những gì một cách an toàn và có những nguồn hỗ trợ nào. Hãy cân nhắc liên hệ với đường dây hỗ trợ hoặc người lớn đáng tin cậy để tâm sự về những lo ngại của bạn và họ có thể hỗ trợ bạn lập kế hoạch ứng phó.
  • Một số người sẽ thấy hữu ích nếu họ tập hợp và ghi lại những suy nghĩ của họ trước.

PHẢN HỒI

Hành động phản hồi khi thấy ai đó đang gặp khó khăn có thể giúp họ cảm thấy bớt cô đơn và được hỗ trợ nhiều hơn. Sau đây là năm phương án phản hồi:

  1. Nếu bạn cho rằng ai đó đang gặp nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, hãy cân nhắc gọi dịch vụ cấp cứu, đường dây hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương hoặc hỗ trợ y tế chuyên nghiệp. Tốt nhất, bạn nên cùng người đang gặp khủng hoảng thực hiện hành động này và ở bên họ khi họ liên hệ trực tiếp để được giúp đỡ.
  2. Nếu họ không gặp nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, hãy cân nhắc liên hệ với người lớn đáng tin cậy, đường dây hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương hoặc chuyên gia để được giúp đỡ.
  3. Nếu thấy nội dung vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok, bạn có thể báo cáo nội dung đó trong ứng dụng bằng cách làm theo các bước sau đây. Mọi thông tin sẽ được giữ bí mật và ẩn danh. Ngoài ra, cá nhân sẽ được cung cấp nguồn lực hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương.
  4. Nếu bạn thấy không thoải mái khi trả lời riêng tư, hãy thử bình luận công khai để chia sẻ nguồn lực phòng chống khủng hoảng miễn phí ở địa phương.
  5. Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi trò chuyện trực tiếp với người đó, hãy tiếp tục TẠO mối kết nối – tốt nhất là qua tin nhắn riêng tư, tuân thủ các nguyên tắc sau.

CẢM THÔNG

Cân bằng giữa lắng nghe và đặt câu hỏi mở. Ghi nhận cảm xúc và khó khăn của người đó, nhưng tránh nói rằng tự tử hoặc tự làm hại bản thân là cách hữu ích hoặc bình thường để đối phó với khó khăn đó. Hãy cố gắng chú tâm vào người đó. Mặc dù bạn có thể muốn chia sẻ những khó khăn của bản thân, nhưng điều này có thể khiến người đó cảm thấy họ không có giá trị. Tránh vội vàng đưa ra hướng giải quyết vấn đề bởi điều này có thể gây khó chịu cho người đang gặp khủng hoảng vì chúng ta là người ngoài cuộc trong hoàn cảnh của họ. Ví dụ về các cách phản hồi đồng cảm:

  • “Cảm giác bế tắc quả thực rất khó chịu. Đôi khi thật khó để tìm ra hướng giải quyết”.
  • “Có vẻ bạn đang khao khát thay đổi điều gì đó. Bạn muốn thay đổi điều gì?”
  • “Chia tay có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn và mất kết nối với những người bạn quan tâm! Bạn đối phó với điều này như thế nào?”

HỎI TRỰC TIẾP

Nghiên cứu cho thấy rằng hỏi về việc tự tử không khiến ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu người khác hay làm tăng nguy cơ tự tử. Thay vào đó, hành động này có thể khởi đầu một cuộc trò chuyện giúp cứu mạng họ:

  • Nếu bạn lo lắng, hãy trực tiếp hỏi xem hiện tại họ có đang suy nghĩ về việc tự tử hay làm hại bản thân không. Ví dụ: “Bạn có từng nghĩ đến việc tự sát không?” Kể cả khi bạn biết rằng người đó không có ý định nghiêm túc, bạn vẫn nên hỏi!
  • Nếu họ đang có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân, hãy hỏi xem liệu họ có nghĩ về (i) tìm hiểu cách tự tử; (ii) thời gian và (iii) địa điểm tự tử cụ thể hay không.
  • Nếu họ phủ nhận việc họ có ý định tự tử, bạn hãy cẩn thận, đừng nên phản hồi mang tính phán xét vội vàng. Đừng nói những câu đại loại như "phù" hay "may quá". Bạn nên nói những câu ví dụ như "cảm ơn vì đã thành thật". Điều này giúp người đó biết rằng nếu họ đang có những suy nghĩ như vậy, bạn sẽ là người an toàn để họ tâm sự.

HÀNH ĐỘNG

  • Giảm khả năng tiếp cận các phương pháp tự tử và tự gây thương tích là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng tự làm hại bản thân. Nếu có thể thực hiện một cách an toàn, hãy giảm khả năng tiếp cận với các công cụ mà người khác có thể dùng để tự làm hại bản thân.
  • Tìm một người liên hệ đáng tin cậy mà thành viên trong cộng đồng có thể liên hệ nếu ý định tự tử của họ vẫn tiếp diễn hoặc trầm trọng hơn. Nếu thành viên trong cộng đồng vẫn còn nhỏ, hãy giúp các em xác định một người lớn đáng tin cậy, đường dây hỗ trợ khủng hoảng hoặc chuyên gia tại địa phương; hãy cùng các em suy nghĩ về cách bày tỏ khó khăn của mình và đồng hành với các em khi các em liên hệ trực tiếp để được trò chuyện hỗ trợ. Nếu các em yêu quý một thầy cô nào đó, thì đây là người rất phù hợp cần liên hệ.
  • Nhiều người thấy rất hữu ích nếu lập một danh sách tùy chỉnh gồm 4-5 hoạt động mà họ có thể tự động thực hiện khi gặp khó khăn. Nếu bạn đang hỗ trợ ai đó, hãy thử cùng họ thực hiện các hoạt động để xem đâu là hoạt động hữu ích! Danh sách hoạt động có thể bao gồm:
  1. Uống một cốc nước đá lạnh và tận hưởng cảm giác đó
  2. Tắm nước ấm thật lâu
  3. Đọc lại cuốn sách bạn yêu thích hoặc nghe một bài hát vui tươi
  4. Nhắn tin cho bạn bè của bạn để được hỗ trợ và/hoặc hỏi xem một ngày của họ ra sao
  5. Liên hệ với đường dây nóng hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương để bày tỏ cảm xúc của bạn

TRAO CƠ HỘI

Khích lệ thành viên trong cộng đồng đảm bảo an toàn cho bản thân và liên hệ với những người đáng tin cậy để được hỗ trợ:

  • Giúp giảm bớt các rào cản trong việc hỗ trợ bằng cách ngỏ ý tìm hiểu số điện thoại đường dây nóng, chuyên gia trị liệu hoặc luôn đồng hành cùng họ trong quá trình họ tâm sự với người lớn.
  • Đảm bảo rằng họ có nguồn lực và công cụ để đối phó với những biến cố thăng trầm. Ví dụ: hãy khuyến khích họ lập danh sách các lý do để tiếp tục cuộc sống, các hoạt động lành mạnh khiến họ cảm thấy tích cực và những người liên hệ có thể giúp họ vượt qua bão tố cuộc đời. Việc từ bỏ ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng, đơn giản, mà phải cố gắng từng bước một.
Lời nhắc

Hãy nhớ rằng nếu bạn đang lo lắng, hãy thực hiện bước đầu tiên để TẠO mối kết nối. Đừng ngồi im đợi người khác liên hệ với bạn rồi mới thể hiện sự quan tâm của bạn.
Việc chăm sóc bản thân cũng rất quan trọng và bản thân bạn cũng vậy. Không ai có thể chịu hoàn toàn trách nhiệm về suy nghĩ hay hành động của người khác. Bạn không nhất thiết phải tham gia những cuộc trò chuyện này nếu bạn chưa chuẩn bị hoặc không có tâm lý thích hợp.
Luôn có sẵn các nguồn lực và bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sức khỏe của một người bạn hay một thành viên trong cộng đồng. Việc chăm sóc lẫn nhau là nỗ lực của cả tập thể – chúng ta có thể giúp mọi người luôn an toàn, cảm thấy kết nối hơn và tiếp cận các nguồn lực mà họ cần.

Tài nguyên

Để biết thêm tài nguyên, bao gồm danh sách các đường dây trợ giúp miễn phí dành cho bất kỳ ai đang gặp khó khăn về mặt cảm xúc, hãy xem Trung tâm an toàn của TikTok.

Bộ công cụ này được xây dựng dựa trên tư vấn của chuyên gia đến từ Hiệp hội ngăn ngừa tự sát quốc tế, Crisis Text Line, ThroughLine, Samaritans of SingaporeSamaritans (Anh Quốc). Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ Thomas Niederkrotenthaler, Rory O'Connor, Daniel Reidenberg và Jo Robinson vì những tư vấn và nghiên cứu của họ.

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm

Nếu bạn hoặc người mà bạn biết đang có ý nghĩ hoặc ý định tự tử, vui lòng liên hệ ngay với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc đường dây nóng phòng chống tự tử. Nội dung trong các hướng dẫn và/hoặc bộ công cụ này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và hướng dẫn chứ không nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ y tế hoặc sức khỏe tâm thần.